Bàn về chi phí bảo hiểm trong xây dựng công trình (33/2004/QĐ-BTC, 53/2008/QĐ-BTC, 13994/BTC-BH)

4457

Như mọi người đều biết phần “chi phí khác” trong bảng “Tổng mức đầu tư xây dựng công trình” có mục “chi phí bảo hiểm công trình”, mục này thường đang để trống để người dùng tự nhập giá trị.

Tuy nhiên, rất nhiều người không biết nhập % giá trị bảo hiểm là bao nhiêu, lấy ở đâu cho đúng. Bài viết này sẽ phân tích giúp mọi người hiểu rõ hơn:

Ngày 12/04/2004 Bộ Tài chính ra quyết định về việc ban hành quy tắc, biểu phí bảo hiểm xây dựng, lắp đặt số 33/2004/QĐ-BTC. Đây là căn cứ để các đơn vị chọn hệ số cho phù hợp.

Đến ngày 14/07/2008 Bộ Tài chính ra quyết định số 53/2008/QĐ-BTC về việc công bố văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành nay đã hết hiệu lực pháp luật trong đó bao gồm cả quyết định số 33/2004/QĐ-BTC.

Sau khi quyết định số 53/2008/QĐ-BTC có hiệu lực thi hành (sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo) mà không có văn bản hướng dẫn thay thế khiến cho các đơn vị rất lúng túng, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.

Đến ngày 19/11/2008 Bộ Tài chính có văn bản số 13994/BTC-BH giải đáp về “Bảo hiểm trong hoạt động xây dựng ” với nội dung:

“Vừa qua, Bộ Tài chính nhận được nhiều văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đề nghị hướng dẫn về bảo hiểm trong hoạt động xây dựng. Về việc này, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 5021/VPCP-KTTH ngày 6/9/2007 về việc thực hiện quy định về bảo hiểm tại Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Xây dựng, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

  1. Theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm trong hoạt động xây dựng không phải là bảo hiểm bắt buộc. Do đó, Bộ Tài chính không ban hành quy tắc, biểu phí bảo hiểm trong hoạt động xây dựng. Việc mua, bán bảo hiểm trong hoạt động xây dựng được thực hiện như đối với các loại hình bảo hiểm tự nguyện khác.
  2. Các đối tượng (tổ chức, cá nhân) có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm trong hoạt động xây dựng phải tiến hành mua bảo hiểm tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được phép cung cấp loại sản phẩm bảo hiểm này. Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nói trên có quyền chủ động xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của loại hình bảo hiểm này tương tự như các loại hình bảo hiểm tự nguyện khác.

Bộ Tài chính thông báo để các Cơ quan được biết và chỉ đạo các đơn vị cấp dưới thống nhất thực hiện./.”

Theo văn bản số 13994/BTC-BH thì chi phí bảo hiểm xây dựng sẽ xác định trên cơ sở đơn vị xây dựng trao đổi, thỏa thuận với đơn vị cung cấp bảo hiểm để lựa chọn ra loại hình phù hợp.

Với cách làm mới này sẽ phải thêm nhiều các thủ tục, các bước để xác định ra được số tiền phù hợp gây ra không ít khó khăn cho các đơn vị, nhất là với các đơn vị chưa có bộ phận chuyên trách.

Nhiều người băn khoăn tiếp tục gửi câu hỏi lên Bộ Tài chính, sau đó đã được Bộ Tài chính trả lời trên trang chủ với nội dung như sau:

“1. Căn cứ quy định tại Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm trong hoạt động xây dựng không phải là loại hình bảo hiểm bắt buộc, vì vậy Bộ Tài chính không ban hành quy tắc, điều khoản, biểu phí đối với bảo hiểm trong hoạt động xây dựng.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã có văn bản số 10038/BTC-BH ngày 27/7/2007 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 5021/VPCP-KTTH ngày 6/9/2007, theo đó Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc sau: Bộ Tài chính không ban hành quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm trong hoạt động xây dựng.

  1. Căn cứ văn bản số 5021/VPCP-KTTH nói trên, Bộ Tài chính đã có công văn số 13994/BTC-BH ngày 19/11/2008 gửi các Bộ , ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước. Theo tinh thần đó, các doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí đối với loại hình này. Các đối tượng có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm trong hoạt động xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng phải tiến hành mua theo đúng quy định của pháp luật. Bên mua có thể thoả thuận trực tiếp với doanh nghiệp bán về quy tắc, biểu phí theo tình hình thực tế của công trình. Bên mua bảo hiểm phải tiến hành mua tại các doanh nghiệp bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam.
  2. Theo Quyết định số 53/2008/QĐ-BTC ngày 14/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc công bố văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành nay đã hết hiệu lực thi hành pháp luật, Quyết định số 33/2004/QĐ-BTC ngày 12/4/2004 đã hết hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không cấm việc chủ đầu tư tham khảo Quyết định số 33/2004/QĐ-BTC ngày 12/4/2004 để làm cơ sở xây dựng dự toán bảo hiểm công trình xây dựng lắp đặt.”

Với câu trả lời này đã cởi được nút thắt khó khăn trong việc xác định giá trị bảo hiểm xây dựng công trình.

Như vậy, các đơn vị vẫn tiếp tục tham khảo quyết định số 33/2004/QĐ-BTC ngày 12/4/2004 để làm cơ sở xây dựng dự toán bảo hiểm công trình xây dựng lắp đặt!